12/5/09

Cookie almond


Mượn bác Khai Tâm cái ảnh cho dễ hình dung. Làm thì nhiều mà máy ảnh chẳng có, thật là buồn. Chuyến này cũng cố mà nhịn ăn để kiếm em máy ảnh nhỉ. :))
CT:
Trứng 1 quả
Đường say 100gr
bột 35gr
Lòng trắng 1 quả (40gr)
Hạnh nhân thái lát: 60gr
CL:
Rất đơn giản. Trứng 1 quả và đường dùng thìa khuấy đều
Cho bột mì khuấy đều
Lòng trắng khuấy đều
Hạnh nhân khuấy nhẹ tay đều (hạnh nhân dễ vỡ)
Lót giấy vào khay, dùng thìa dàn bột thật mỏng, nướng 160 độ, khoảng 15 đến 17' hoặc đến khi vàng.
Khi bánh chín vàng, nhanh tay bóc bánh ra khỏi giấy lót, cho bánh vào chiếc cốc, hoặc cuộn để 1 lát, bánh nguội sẽ thành hình. Ăn rất ròn và thơm.
Để nguội hẳn, bọc túi nilon ăn dần.

Mousse hawai


Mousse hawai là món bánh làm khá cầu kỳ, có nhiều lớp, đế gato, 2 lớp mouse, và 1 thạch aga trang trí. Nhưng thực sự nếu ai nếm thử 1 lần sẽ thích thử lần 2, vị ngậy của dừa, mềm của kem tươi, và thơm mùi caramen, mùi vị này làm cho mousse hawai rất đặc biệt.

6/5/09

Thạch đậu xanh sữa dừa thơm mát


Mượn ảnh của afamily cho dễ hình dung. Còn dưới đây là công thức sau khi mình làm và đúc kết. Chứ bên afamily thì công thức ko được rõ ràng:

CT:
100 gr đỗ xanh đã hấp chín
120 ml nước
50 gr đường (ngọt nhạt tùy khẩu vị có thể thêm bớt)
50 gr bột sắn dây
50ml nước (dùng để hòa tan bột sắn)
80 ml sữa tươi không đường
200gr nước cốt dừa

CL:

Ngâm đậu xanh trong nước qua một đêmRửa sạch lại đậu bằng nước lạnh rồi đun sôi trong nước trong 30 phút. Ninh đậu đến khi chín mềm rồi đổ nước đi và để ráo đậu. Hoặc bạn có thể cho vào nồi hấp, hấp chín đậu xanh cũng được.

Hòa một chén nước với chỗ bột ngô (hoặc bột đao, bột sắn), hòa thật kỹ rồi để sang một bên

Cho đường vào 120gr nước, đun sôi. Cho tiếp sữa và nước cốt dừa vào. Khi nồi sữa dừa sôi trở lại bạn cho từ từ phần bột đã hòa lúc nãy vào nồi. Vặn nhỏ bếp và ngoấy liên tục trong lúc cho bột. Sau khi hỗn hợp sôi trở lại thì đun thêm 2 phút nữa và tắt bếp. Lúc này sữa dừa có độ sánh đặc và thơm.

Nhấc nồi sữa dừa xuồng khỏi bếp, cho chỗ đậu xanh đã làm chín vào đảo đều. Rót ra khuôn. Để nguội rồi cho vào tủ lạnh. Ướp lạnh ít nhất 3h trước khi ăn sẽ ngon hơn.


Những chiếc bánh thạch tự tay bạn làm sẽ góp vui vào bữa tiệc mùa hè của bạn bè và gia đình

5/5/09

Gato cơ bản

Bài chưa kịp đăng thì đã mất rùi, thế nên là ko bla bla nữa, đi thẳng vào chủ đề

CT: Dùng cho khuôn 18, 20

Đường 90gr
Trứng 3 quả
Bột 95gr (có thể dùng 85gr bột mì, 10gr bột ngô)
Bơ 15gr, hoặc 1 thìa

CL:

Trứng + đường cho vào âu đánh(nên đổ từ từ đường vào trong lúc đánh trứng để đường được đều) Đánh số 3, 4 đến khi nhấc lên trứng ko chảy là được.

Bơ đun chảy.

Bột chia làm 3 lần. Cho qua rây lần 1, dùng phới đảo nhẹ tay 1 chiều hơi nghiêng, từ từ, và từ dưới lên để bột lắng xuống dưới được đảo đều.

Lần 2 cũng vậy, lần 3 thì đảo qua 1 lần , rồi đổ bơ vào, đảo nhẹ tay 1 lúc, bột đều là được

Lưu ý: khi đánh trứng đánh 1 chiều
Phần rây đảo bột là quan trọng nhất, bơ ko được sôi hoặc nguội quá đổ vào, đổ lúc nóng. Bột đảo nhẹ tay và đảo 1 chiều.

Chúc cả nhà thành công.

25/4/09

Chicken Curry with Pineapple Sauce




Lượn lờ vài ngày trước đây, gặp 1 blog, thấy có món mặn hay hay, mình đã chí làm thử rùi, nhưng đến tối hôm qua mới có thời gian để làm. Món cánh gà mới lạ, vị của cari, của dứa, của nước cốt dừa. Qủa thật ăn mà mê li quá. Không có máy ảnh nên mạn phép chủ nhân của blog cho copy ảnh của bác ý về. Chia sẻ công thức để mọi người biết thêm 1 món ngon nữa.

* Nguyên liệu
- 5 cánh gà - cắt miếng.
- 1 thìa cafe gia vị (bột canh)
- 2 thìa cafe hạt nêm
- 1/2 gói bột cà ri
- 1/2 quả ớt ngọt màu đỏ
- 1/2 quả dứa to, cắt miếng
- 1 quả ớt (thích ăn cay thì cho thêm vào)
- 2 thìa cafe đường
- nửa bát cơm nước cốt dừa
Dầu olive hoặc dầu ăn thường cũng được.

Cách làm:
- Ướp cánh gà với gia vị và cà ri khoảng nửa tiếng. Trong khi đó cắt ớt ngọt thành sợi dày 0,5cm và dứa thành miếng vừa ăn.
- Làm nóng dầu olive, đổ thịt gà vào đảo nhanh tay trên lửa to đến khi xém cạnh thì giảm lửa và đun thêm khoảng 12′ nữa cho chín.
- Sốt dứa: Làm nóng dầu olive, cho ớt ngọt vào đảo khoảng 3′, thêm dứa vào đảo tiếp 5′ nữa cho đến khi dứa có màu vàng nâu. Thêm ớt cay vào đảo 1′. Đổ nước cốt dừa, hạt nêm và đường vào đảo đều cho tan hết và sốt sôi.
- Bày thịt gà ra đĩa, trút hỗn hợp sốt lên ăn nóng.




22/4/09

Bánh Bafalia


Món bánh này sưu tầm công thức trên mạng, không có máy ảnh để chụp cái bánh mình làm, nhưng trông cũng được mịn màng như thế này, chỉ có điều làm những chiếc bánh kiểu như này thì mình ko sao úp ngược bánh lại được, thành ra cứ để trong bát trắng. Nhìn trông vẫn cứ ngon như thường.
Món tráng miệng này thường thấy trên các bàn tiệc của người phương tây. Với cách làm đơn giản, cùng với chút trái cây tùy theo sở thích của mỗi người, chỉ cần 20 phút là có thể có một món ăn lạ đãi bạn bè rồi.
Công thức và cách làm dưới đây có chỉnh sửa để hợp khẩu vị.
NL:
250ml sữa tươi ko đường
50gr đường
2 lòng đỏ trứng
bơ 70gr
3 lá gelatin
CL:
Ngâm lá gelatin vào nc lạnh cho mềm, nc ấm là gelatin sẽ biến mất đấy nhé.
Bơ cho vào lò vi sóng đun chảy, để nguội.
Lòng đỏ trứng trộn đường dùng thìa khuấy nhẹ tay, chỉ cần đều lên là được
Sữa cho lên bếp đun nhỏ lửa, ko được để sôi.
Lúc sữa nóng già, đổ sữa vào bát trứng đường vừa khuấy, khuấy đều.
Sau đó cho vào rây lọc, để hỗn hợp trở lại bếp đun nhỏ lửa, đến khi nóng già.Cho lá gelatin vào khuấy đều.
Bắc xuống để nguội.
Khi bơ và hỗn hợp để nguội, trộn lẫn, khuấy nhẹ tay cho đều. Đổ vào khuôn.
Để tủ lạnh ngăn mát khoảng 2 tiếng là có thể ăn được.
Ăn kèm hoa quả thì cực ngon nhá.

21/4/09

Lionel Poilâne - Ông vua bánh mì nước Pháp

(Theo Vneconomy)


Người Pháp nổi tiếng là sành điệu về ẩm thực. Bên cạnh các đầu bếp nổi danh thế giới như Paul Bocuse hay Joel Robuchon, nước Pháp còn có một tên tuổi lớn khác rất được ngưỡng mộ. Đó là Lionel Poilâne, người được mệnh danh là ông vua bánh mì của nước Pháp.

Lionel Poilâne không chỉ là một nghệ nhân làm bánh mì kỳ tài mà còn được coi là một doanh nhân kiệt xuất. Ông trở nên giàu có với hàng trăm triệu franc chỉ nhờ mỗi nghề làm và bán bánh mì. Có lẽ Lionel Poilâne gần như là người duy nhất hàng ngày thuê máy bay chở bánh mì đi bán ở rất nhiều nơi trên trái đất.

Từ một lò bánh gia đình, Lionel đã xây dựng nên cả một doanh nghiệp chuyên kinh doanh bánh mì đa quốc gia. Cha ông, Pierre Poilâne đã mở một lò bánh nhỏ đầu tiên vào năm 1932 tại đường Cherche-Midi trong khu phố Saint - Germain, Paris. Lionel Poilâne là người phụ việc làm bánh giúp cha. Ngay từ bé, Lionel đã tỏ ra vô cùng say sưa với nghiệp làm bánh mì. Lớn lên, ông vẫn gắn bó với nghề làm bánh. Từ năm 1970, Lionel Poilâne nhanh chóng tiếp quản lò bánh mì của cha mình.

Với sản phẩm bánh mì có một không hai, Lionel Poilâne đã gây dựng nên cả một cơ ngơi đáng nể. Vẫn là một công ty gia đình nhưng cơ sở sản xuất của Lionel Poilâne từ những năm 1980 trở đi đã có trên 100 người làm, doanh số đạt tới cả trăm triệu franc mỗi năm. Đó là một con số không phải là nhiều với một tập đoàn thương mại hay công nghiệp. Nhưng hơn trăm triệu franc lại là con số trong mơ đối với những doanh nghiệp nhỏ, nhất là với những thợ thủ công, những người làm bánh. Hiện nay, trên 1.500 cửa hàng và hơn 1.000 nhà hàng sang trọng nhất làm đại lý bán bánh mì nổi tiếng của Lionel Poilâne.

Điểm tâm không thể thiếu bánh mì Poilâne

Bánh mì của Lionel Poilâne giờ đây không còn là một loại lương thực thiết yếu mà trở thành một đặc sản hiếm hoi. Rất nhiều những người giàu có, những nhân vật nổi tiếng thường xuyên thưởng thức bánh mì Poilâne. Trong danh sách những người sành điệu ẩm thực này có cả những tên tuổi lừng danh hiện đang sống ở Mỹ như Steven Spielberg, Johnny Depp hay Lauren Bacall. Riêng loại bánh mì đen hình chiếc gối nổi tiếng của Lionel Poilâne, hàng ngày có tới hơn 5.000 chiếc được chuyển bằng máy bay từ sân bay Roissy ở Paris. Với không ít người, một bữa điểm tâm không thể gọi là đầy đủ nếu thiếu bánh mì Lionel Poilâne.

Chính nhờ những nhu cầu điểm tâm phải có bánh mì Poilâne chính hiệu mà Hãng chuyển phát nhanh nổi tiếng Fed-Ex đã có thêm một dịch vụ mới. Theo yêu cầu của khách hàng, những nhân viên chuyển phát nhanh của Fed-Ex sẵn sàng chuyển bánh mì vào đúng trước giờ ăn sáng. Với những người sống ở New York, Tokyo hay London thì bữa điểm tâm có bánh mì Poilâne thật sự là một sự xa xỉ mà không phải ai cũng có điều kiện thưởng thức.

Còn với người dân thành Paris, để có được bánh mì Poilâne thì giá cả không phải là vấn đề quá lớn, nhưng họ lại trả một giá khác cho nhu cầu ăn sáng khó tính của mình. Đó là hàng sáng phải xếp hàng rất dài trước cửa hàng số 8 phố Cherche-Midi. Không hẳn phải thật khá giả, nhưng phải là người rất sành điệu và "nghiện" bánh mì Poilâne mới có đủ kiên nhẫn đợi mua bằng được.

Lionel Poilâne quả là một nghệ nhân và một doanh nhân kỳ tài khi đã làm sản phẩm bánh mì nổi danh toàn cầu. Rất nhiều bữa tiệc lớn của các chính khách hay những tỉ phú đã phải đặt bánh mì Poilâne chính hiệu sản xuất tại Paris. Khi đó, Lionel Poilâne đã trực tiếp thuê cả những chuyên cơ đặc biệt chỉ để chở bánh mì. Không ít người có những hợp đồng mua bánh mì dài hạn của Lionel Poilâne.

Quá ngưỡng mộ bánh mì Poilâne, năm 1997, một triệu phú người Mỹ đã trả trước cho Lionel một số tiền khổng lồ lên tới 100.000 USD. Theo hợp đồng này, Lionel Poilâne phải cam kết cung cấp bánh mì của mình mỗi tuần một lần cho tất cả con và cháu ruột của nhà triệu phú này đến hết đời. Đó là một hợp đồng rất béo bở với Lionel Poilâne, nhưng quan trọng hơn câu chuyện như thần thoại đó đã càng làm tăng lên danh giá cho ông và thương hiệu bánh mì Poilâne.

Bí quyết gia truyền

Để có được những chiếc bánh mì lừng danh như vậy, rõ ràng Lionel Poilâne phải có bí quyết. Trước hết, việc chọn loại bánh mì để sản xuất đã thể hiện sự độc đáo và cả dũng cảm trong quyết định của Lionel Poilâne. Sau thế chiến thế giới thứ hai, đại đa số người Pháp có xu hướng chỉ ăn bánh mì Baguette là loại bánh mì trắng, dài. Các nhà sản xuất bánh mì lớn nhỏ đều đổ xô sang sản xuất phục vụ nhu cầu đó. Họ sử dụng các công thức mới, qui trình sản xuất mới. Bánh mì trắng, mềm và đặc biệt là rẻ hơn nhiều.

Cha của Lionel, ông Pierre Poilâne tưởng như phải phá sản với lò bánh mì thủ công của mình. Khi đó, Lionel Poilâne đã thuyết phục cha mình quay lại với loại bánh mì đen theo công thức truyền thống có từ trước thế kỷ 18. Thời gian đầu, bố con Lionel Poilâne làm ăn rất chật vật. Nhưng từ khi thay cha tiếp quản lò bánh, Lionel Poilâne lại càng quyết tâm theo đuổi con đường mà mình đã chọn. Ông kể rằng mình tuyệt đối trung thành, trung thành một cách bảo thủ với công thức làm bánh của cha ông.

Ông chỉ sử dụng bột mì đen, bột ủ chua, nước, muối biển và không có thêm các phụ gia hay hóa chất nào khác. Thời gian ủ bánh trước khi đưa vào lò nướng là đúng 5 tiếng đồng hồ, không hơn và cũng không kém một phút. Một công thức tưởng như rất đơn giản trong đó có rất nhiều bí quyết nhà nghề. Tất cả các quy trình đều được thực hiện nghiêm ngặt và rất thủ công cho dù điều kiện làm bánh đã khác trước rất nhiều.

Nhưng chỉ có công thức làm bánh thôi chưa đủ để có được những chiếc bánh luôn thơm ngon và không bao giờ thay đổi chất lượng. Nhiều chuyên gia bánh mì cho rằng bí quyết làm nên thành công của bánh mì Lionel Poilâne nằm nhiều hơn ở công nghệ nướng bánh.

Gọi là công nghệ, lại sinh ra trong thời kỳ phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, nhưng qui trình nướng bánh của Lionel Poilâne rất thủ công. Quan điểm sản xuất tưởng như bảo thủ lại chính là nét độc đáo và là bí quyết quan trọng làm nên thành công của Lionel Poilâne. Tại cơ sở sản xuất bánh của mình, Lionel Poilâne vẫn sử dụng các lò nướng bánh rất thô sơ. Điểm đặc biệt là Lionel Poilâne chỉ dùng củi để đốt lò.

Lò nướng của Lionel Poilâne cháy suốt ngày đêm và mỗi ngày ông dùng hết đúng 700kg củi khô. Lò nướng bánh của Lionel Poilâne xây bằng gạch chịu lửa cổ xưa theo đúng kiểu Rome. Do dùng loại gạch kiểu cổ như vậy để xây lò nướng nên sau một thời gian, lò nướng lại bị “quá đát” và Lionel Poilâne lại thay thế bằng lò nướng mới. Thời gian để đắp xong một lò nướng hết đúng 1 tháng. Sau đó, lò nướng lại được sấy khô thêm 1 tháng nữa mới đưa vào sử dụng nướng bánh. Mỗi lần nướng bánh cần hết đúng 2 tiếng đồng hồ và mỗi lò nướng được 500 chiếc bánh mì đen hình gối. Cơ sở sản xuất bánh của Lionel Poilâne có tất cả 24 lò nướng chuyên dụng như vậy.

Rất thủ công, cầu kỳ và tốn kém, nhưng có lẽ chính vì vậy mà Lionel Poilâne mới cho ra lò được những chiếc bánh mì nóng hổi, thơm ngon khác thường.

Chỉ sản xuất tại một nơi duy nhất

Hàng chục năm liền, dù rất phát đạt và không thiếu tiền để đầu tư nhưng Lionel Poilâne kiên quyết không mở thêm các cơ sở sản xuất mới. Số lượng đại lý và nhà hàng có bán bánh mì Poilâne vẫn tăng nhiều qua các năm nhưng nơi sản xuất vẫn là một địa chỉ duy nhất tại số 8 phố Cherche-Midi.

Không chỉ là doanh nhân, là nhà sản xuất, Lionel Poilâne còn là một nghệ nhân bánh mì. Vì vậy, ông rất khó tính và nghiêm ngặt để bảo vệ chất lượng bánh mì của mình. Ông thường xuyên trực tiếp kiểm tra tại nơi sản xuất.

Khi đã là ông chủ lớn của một hãng bánh mì lừng danh nhưng không hiếm khi người ta vẫn bắt gặp ông chỉ mặc một chiếc áo phông và mồ hôi mồ kê nhễ nhại bên lò nướng bánh. Tất cả những gì Lionel Poilâne làm đã được đền đáp xứng đáng. Hàng ngày, hàng chục ngàn chiếc bánh mì đen Poilâne được ra lò dù hình dáng không hoàn toàn giống nhau do nặn bằng tay nhưng đều có trọng lượng đúng 1,9kg và đặc biệt là bảo đảm chất lượng hoàn hảo như nhau. Tất cả các khách hàng của Lionel Poilâne, dù ở Mỹ, Nhật hay Ảrập Xêút đều xác nhận điều đó.

Ngoài thị trường trong nước Pháp, Lionel Poilâne còn có hai thị trường rất lớn là New York và London. Mỗi năm có tới gần 20.000 chiếc bánh mì đen hiệu Poilâne được vận chuyển bằng máy bay đến New York. Mãi đến năm 2000, lần đầu tiên Lionel Poilâne mới cho mở một cơ sở sản xuất bánh mì ở London. Tất cả lò nướng bánh ở London được thiết kế y chang như cơ sở chính tại Paris.

Sự nổi tiếng của bánh mì Poilâne đã buộc chính quyền sở tại ở London có những châm chước. Loại lò nướng thủ công và cổ điển mà Lionel Poilâne sử dụng đã bị cấm từ hàng trăm năm nay sau sự cố hỏa hoạn khủng khiếp năm 1666. Để bảo đảm chất lượng bánh mì, tất cả mọi nguyên vật liệu đều trực tiếp nhập từ Paris.

Ăn bánh mì là thưởng thức văn hóa

Lionel Poilâne thành đạt trong kinh doanh và được khâm phục còn bởi khả năng marketing, ông đã rất tài tình sử dụng những lợi thế và nét độc đáo của mình để marketing sản phẩm. Làm ra sản phẩm chất lượng cao đã khó nhưng để quảng bá được chất lượng đó và làm gia tăng thương hiệu lại là một vấn đề khác.

Lionel Poilâne đã thành công trong cả hai. Ông ý thức được những lợi thế của mình để tạo dựng nên một thương hiệu bánh mì nổi danh toàn thế giới. Những kinh nghiệm, những chi tiết không nhất thiết để giữ bí mật về cách thức sản xuất bánh mì thì Lionel Poilâne chủ động giới thiệu để khách hàng biết. Thậm chí ai muốn cũng có thể tham quan cơ sở sản xuất của ông.

Trong rất nhiều sách hướng dẫn du lịch về Paris đều có địa chỉ của xưởng sản xuất bánh mì Poilâne. Những người đã đến đây đều ấn tượng mạnh và có cảm tưởng như đang thăm quan một lò làm bánh mì của nông dân thời cổ xưa. Ngoài việc chứng kiến những mẻ bánh mì thơm nóng ngào ngạt đang ra lò, du khách đến thăm còn được thưởng thức không chỉ bánh mì đen mà cả những chiếc bánh sandwich hay bánh qui bơ tuyệt hảo của Poilâne.

Trong chiến lược marketing, Lionel Poilâne còn chủ ý giới thiệu về qui trình sản xuất bánh mì thủ công nhưng vô cùng khắt khe của mình để thu hút sự tò mò của nhiều người. Điều mà Lionel Poilâne đã làm được một cách kỳ diệu và đáng khâm phục là đã đem lại cho người tiêu dùng một cảm giác hưởng thụ văn hóa khi ăn bánh mì của ông. Chính vì lẽ đó mà một trong những giới khách hàng nhiều nhất và trung thành nhất với bánh mì Poilâne là các văn nghệ sĩ có tên tuổi, những nhà văn hóa, nghệ thuật ở khắp nơi trên thế giới.

Thương hiệu bánh mì của Poilâne được đăng ký bảo vệ sở hữu trên toàn cầu. Chiếc bánh mì nào cũng có hình nổi chữ P ở mặt sau. Với các sản phẩm bán ở nước ngoài, bánh mì Poilâne còn kèm theo cả tem chứng nhận xuất xứ.

Năm 2002, khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp kinh doanh, ông vua bánh mì Lionel Poilâne đã qua đời sau một tai nạn máy bay. Khi đó Lionel Poilâne mới 57 tuổi. Người con gái của ông mới 20 tuổi là Apollonias Poilâne đã tiếp tục nối nghiệp cha điều hành công ty.